Một ngày mưa đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến Phở xưa Nam Định toạ lạc trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh (Đường Cột Cờ, TP Nam Định). Nằm yên lành, xanh mát dưới những tán cây cổ thụ già, quán như một “nốt trầm” bình yên của thành phố, nơi người ta đến không chỉ để thưởng thức các món ăn, đồ uống ngon mà còn để thư giãn, tìm chốn yên an.

Không gian của quán rộng nhưng ấm cúng. Bàn ghế mộc mạc, hoa văn trang trí trên ghế đều được triện theo những con triện xưa. Giữa quán, bộ sa lông đệm may bằng vải con công của những năm 1980 bắt mắt. Không chỉ có không gian bình yên, đồ ăn thức uống ở đây cũng mang lại cảm giác rất dân giã, mộc mạc, giản dị. Đó là những “bữa cơm nhà” với canh cua, cà, xôi, cá kho, thịt kho, giò lụa, bánh chưng, dưa muối… được bày biện, trang trí trong những mẹt tre nứa còn thơm nức mùi của cây cối tự nhiên, đồng ruộng. Món ăn đơn giản nhưng cách chế biến không hề đơn giản. Mang theo tâm tình của những người mẹ, người chị đảm đang trong gia đình, đầu bếp ở đây cầu kỹ, “kỹ” trong từng khâu chế biến, nấu nướng. Dụng công nhất trong các món ăn ở quán chính là phở. Gìn giữ “tuyệt kỹ” nấu phở của những thợ phở nức tiếng đất Thành Nam xưa, Phở xưa Nam Định được nhiều người mến phở, yêu phở yêu thích bởi nhiều yếu tố. Trong đó, nước dùng của quán đặc sắc hơn cả. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô… trong khoảng 50h liên tục. Thành phẩm dễ khiến người thưởng thức “ưng từ cái nhìn đầu tiên”. Nước phở giữ được vị ngọt, tươi tuyệt đối của xương bò. Màu nước trong, khi ăn không cho cảm giác ngấy, lợ của mỳ chính. Bánh phở sợi nhỏ ngon và mềm không khô cứng, nồng. Thịt bò được đập dập, nhúng ăn ngay nên giữ được độ tươi và chất dinh dưỡng…






Sau một ngày bận rộn với nhiều áp lực, ghé Phở xưa Nam Định, gọi một bát phở bò, ăn một bữa cơm quê trong không khí thoang thoảng hương sen thơm mát được bà chủ khéo léo bày khắp nhà, mệt mỏi đường xa hình như cũng đang dừng lại trước “cửa nhà”./.
theo: Nam Định đất và người