Nam Định – Vùng đất văn hóa ẩm thực phong phú

Cùng với cảnh quan thiên nhiên, hệ thống các di tích lịch sử – văn hoá khá dày đặc, tỉnh Nam Định còn là nơi hội tụ đa dạng nghệ thuật ẩm thực truyền thống nổi tiếng như: Phở Nam Định, Kẹo Sìu Châu, Bánh cuốn làng Kênh… Những năm gần đây, xu hướng du khách lựa chọn du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm, thưởng thức các món ăn bản địa truyền thống ngày càng tăng, đó là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Nam Định sẵn sàng phục hồi và phát triển khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Trình diễn giã bánh dày dâng Thánh tại lễ hội làng Ngọc Tiên, xã
Xuân Hồng (Xuân Trường). (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Xu hướng du lịch ẩm thực

Những ngày đầu tháng 4-2021, trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 tại nước ta, đoàn đại diện các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch tại Hà Nội gồm 40 người đã về Nam Định tham quan thực tế. Xuất phát từ thủ đô Hà Nội, sau gần 2 giờ di chuyển đoàn khách đã đặt chân tới thành phố Nam Định và thưởng thức món phở bò nổi tiếng. Sau đó, đoàn khám phá những công trình kiến trúc nhà thờ độc đáo, thưởng thức những điệu hát văn của văn hóa thờ Mẫu tam phủ, tham quan những ngôi chùa cổ, như: Chùa Cổ Lễ, cầu ngói chùa Lương; làng làm kèn đồng Phạm Pháo, làng đồ cổ Hải Minh, làng Hành Thiện; khám phá Bảo tàng Đồng quê; trải nghiệm du lịch cộng đồng tại khu nghỉ dưỡng Ecohost. Tại những điểm đến, du khách trong đoàn đều được thưởng thức ẩm thực mang đặc trưng của người bản địa như: Bánh nhãn Hải Hậu, gạo Tám xoan Xuân Trường, nem nắm…

Chị Trịnh Thị Giang, Phó Giám đốc Công ty du lịch Haseco Travel (Hà Nội), một thành viên trong đoàn cho biết: “Tôi được đi nhiều nơi, từng khám phá nhiều địa danh của đất nước nhưng đến với Nam Định mang lại trải nghiệm rất khác biệt bởi được thưởng thức nhiều đặc sản ở mỗi điểm đến tham quan. Nếu biết cách phát triển có hệ thống và quảng bá các sản phẩm ẩm thực tốt, tôi tin ngành du lịch Nam Định sẽ tiếp tục thu hút nhiều khách tham quan hơn nữa…”. Còn ông Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty du lịch Pattours (Hà Nội) nhận định: “Nam Định có lợi thế là gần với những thị trường khách lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Nếu tăng cường hoạt động quảng bá, liên kết với các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng để tạo nên nhiều sản phẩm mới như du lịch ẩm thực, Nam Định hoàn toàn có thể thu hút đông du khách ngay sau khi các hoạt động trở lại bình thường khi dịch COVID-19 được khống chế.”.

Người dân xã Nam Dương (Nam Trực) phơi bánh đa.
Ảnh: Viết Dư

Khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành Du lịch, tâm lý của du khách có nhiều thay đổi, xu hướng du lịch tự túc, ngắn ngày, gần nhà là lựa chọn của nhiều gia đình trong tỉnh. Đầu tháng 4 vừa qua, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh Trần Viết Văn (Mỹ Lộc) quyết định cho gia đình tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Đồng quê và làng nghề làm mắm Sa Châu (Giao Thuỷ). Tới đây, anh và gia đình được hướng dẫn viên tại Bảo tàng giới thiệu tham quan các không gian trưng bày hiện vật độc đáo. Anh Văn cho biết: “Kế hoạch của gia đình tôi chỉ vào Bảo tàng đồng quê một buổi sáng, nhưng sau khi biết tại đây còn nhiều món ẩm thực ngon như bánh khúc, bánh gai… gia đình tôi đã nán lại qua trưa để cùng trải nghiệm cách làm các món cùng với sự hướng dẫn của nhân viên Bảo tàng”.

Bà Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng đồng quê cho biết: Nhiều năm qua, để xây dựng bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, ngoài trưng bày các hạng mục công trình, hiện vật nông ngư cụ, đồ sinh hoạt phong phú, độc đáo, bảo tàng còn triển khai nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch trải nghiệm như: dệt chiếu cói, tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến những món ăn dân dã như: cơm quê, bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh gai, canh cua, cà muối, cá kho nồi đất, gà ri, lợn mán, nem nắm…

Đặc biệt, du khách tới Bảo tàng đồng quê đều ấn tượng với món bánh gai, bánh khúc được chế biến từ các nguyên liệu sạch trồng tại khuôn viên Bảo tàng và tại vườn người dân địa phương. Bà Khiếu cho biết thêm:“Bên cạnh phát triển không gian trưng bày, từ khi Bảo tàng đồng quê triển khai các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức các món ăn truyền thống đã tạo nên sức hút lớn với du khách. Nhiều khách du lịch sau khi đến thăm Bảo tàng đồng quê lần đầu có ấn tượng đẹp đã chọn đây là địa chỉ thường xuyên mỗi khi về tham quan tại Nam Định. Đó là niềm vui và động lực để Bảo tàng đồng quê tiếp tục phát triển mô hình trải nghiệm ẩm thực này.”

Khách du lịch đến mua hàng tại cửa hàng kẹo Sìu châu Kim Thành Hoa (TP Nam Định).

Chung tay “đánh thức” tiềm năng

Một trong những động lực để Nam Định khai thác tiềm năng du lịch ẩm thực là vừa qua tổ chức Top Việt Nam (VietTop) và tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkinhgs) công bố 3 đặc sản: Phở bò, Bún đũa, Kẹo Sừu châu của Nam Định là “Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam” và “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” năm 2020 – 2021. Hiện nay, Sở VH, TT và DL Nam Định tiếp tục trình UBND tỉnh đề xuất với Hội kỷ lục gia Việt Nam lựa chọn các sản phẩm: Bánh cuốn Làng Kênh, Bánh Gai Bà Thi, Bánh mỳ Ba Lan (TP Nam Định), Nem nắm, Nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), Bánh nhãn (Hải Hậu), Gạo Tám thơm Xuân Đài (Xuân Trường) là các món ăn đặc sản và món ăn đường phố của Việt Nam năm 2021 – 2022. Đồng chí Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH, TT và DL) cho biết: “Du lịch ẩm thực là loại hình kết hợp giữa nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương với hành trình khám phá các điểm đến của du khách. Tại các trung tâm du lịch, vai trò của dịch vụ này càng lớn.

Nơi nào có dịch vụ ăn uống độc đáo, đặc sắc, có bản sắc, chất lượng, nơi đó có những dấu ấn tốt đối với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá văn hóa ẩm thực của địa phương. Để đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực, ngành Du lịch khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng các tour khám phá ẩm thực cho du khách như: trải nghiệm không gian chợ, cùng tham gia vào quá trình chế biến; tổ chức dạy nấu các món ăn đặc sản với sự hướng dẫn của các đầu bếp, người dân địa phương. Xây dựng những sản phẩm du lịch ẩm thực để du khách hòa mình với cuộc sống đời thường sinh động của người dân bản địa…”.

Những năm gần đây, công tác quảng bá ẩm thực Nam Định được sự quan tâm của ngành chức năng và sự chung tay của nhiều nhà hàng, doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá gian hàng ẩm thực Nam Định trong khuôn viên Bảo tàng nhân dịp Chợ tết “Một Thoáng Thành Nam”; mở cửa khu trưng bày, trải nghiệm một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định để phục vụ hoạt động giáo dục gồm: không gian “Bếp Việt truyền thống” vùng đồng bằng Bắc Bộ; tham quan, trải nghiệm tìm hiểu đặc trưng văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh lũy tre xanh, không gian thu hoạch lúa, chế biến thóc, gạo; không gian bếp của người Việt xưa… trải nghiệm các hoạt động xay thóc, giã gạo, sàng, sảy, thổi cơm bằng niêu đất, làm món cơm nắm muối vừng… Nhà hàng Cánh diều Vàng cũng tích cực tham gia công tác quảng bá ẩm thực Nam Định. Năm 2019, nhà hàng Cánh diều Vàng tổ chức trưng bày và trình diễn “Không gian phở Nam Định” với hơn 10 gian hàng thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm. Khách sạn Nam Cường tổ chức Dạ tiệc “Tinh hoa nghệ thuật văn hoá và truyền thống Nam Định”.

Ngoài các chương trình nghệ thuật, khách sạn tổ chức bữa tiệc giới thiệu các món ăn truyền thống đậm đà hương vị thể hiện tinh hoa ẩm thực truyền thống của Việt Nam nói chung và mang đặc trưng Nam Định nói riêng. Một số đặc sản địa phương như phở bò, bánh cuốn, cá nướng úp chậu, bánh gai, bánh nhãn… đã đi vào các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng. Từ năm 2019 đến nay, các kênh sóng thuộc truyền hình quốc gia đã sản xuất nhiều chương trình giới thiệu, trải nghiệm du lịch ẩm thực tại Nam Định tạo ấn tượng tốt đẹp với khách du lịch trong và ngoài nước.

Cửa hàng kẹo Sìu châu Kim Thành Hoa (TP Nam Định) thường xuyên đón khách du lịch đến mua hàng.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hoá ẩm thực Nam Định, vừa qua, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định được thành lập theo Quyết định số 474/QĐ-SNV ngày 5-2-2021 của Sở Nội vụ. Hiệp hội có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học, liên hoan, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực; tham gia tư vấn cho các cấp chính quyền xây dựng chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực của địa phương; xây dựng các tiêu chuẩn, định chuẩn cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây là “cú hích” lớn trong công tác quảng bá và phát triển loại hình du lịch ẩm thực tỉnh nhà.

Quán phở gia truyền của chị Cồ Như Huệ, thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực).

Để “đánh thức” tiềm năng du lịch ẩm thực, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn đảm bảo vệ sinh, an toàn trong lựa chọn, chế biến, cung cấp thực phẩm. Trên cơ sở rà soát, thống kê những món ăn tiêu biểu, đặc trưng có khả năng tích hợp đưa vào xây dựng sản phẩm du lịch, ngành Du lịch tỉnh xây dựng chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực địa phương đến với du khách thông qua những sự kiện du lịch, văn hóa ẩm thực được tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những người làm du lịch cần bồi dưỡng kiến thức, giới thiệu, chia sẻ với du khách về không gian, văn hóa ẩm thực làm nổi bật nét đẹp văn hóa ẩm thực Nam Định trong lòng du khách./.

Bài và ảnh Viết Dư báo Nam Định

Nguồn: http://baonamdinh.vn/channel/5087/202106/nam-dinh-vung-dat-van-hoa-am-thuc-phong-phu-2544689